Đặc biệt, thời gian gần đây, tình trạng lợn nhiễm dịch tả châu Phi chết ồ ạt, nhiều hộ chăn nuôi đã lén lút trong đêm vứt bỏ lợn chết ra môi trường, gây nguy cơ dịch lây lan rộng.
Tất cả số thịt lợn dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi được tiêu hủy bằng cách chôn lấp. Ảnh: Lê Xuân-TTXVN
Ông Lê Công Hiệu, cán bộ Tổ 1, Nông trường Túc Trưng, cho biết lợi dụng đêm tối, người dân đã chở xác lợn chết đến khu vực trên vứt vào lô cao su với số lượng khoảng 2 tấn. Theo ông Hiệu, đây không phải là lần đầu tiên, trước đó cán bộ nông trường đã 2 lần phát hiện tình trạng tương tự.
“Để đảm bảo vệ sinh, cán bộ nông trường cao su đã sử dụng máy cuốc đào hố chôn số lợn bị vứt trong rừng cao su”, ông Hiệu cho biết.
Không chỉ vứt xác lợn chết ra rừng cao su, thời gian gần đây nhiều hộ chăn nuôi thiếu ý thức đã lén lút vứt xác lợn chết do dịch tả lợn châu Phi ra nhiều nơi như bãi rác, sông, suối, ao hồ công cộng vừa gây ô nhiễm môi trường vừa làm phát tán dịch bệnh.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo khẩn cấp phòng chống dịch tả heo châu Phi mới đây, ông Võ Văn Chánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã phê bình huyện Trảng Bom vì để xảy ra tình trạng người dân vứt xác lợn bừa bãi xuống suối Cầu Quan, xã Bắc Sơn, khiến xác lợn chết trôi xuống phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa, gây khó khăn trong phòng chống dịch.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cho biết, từ khi xuất hiện dịch (tháng 4) đến nay, trên địa bàn đã tiêu hủy 210.000 con lợn mắc bệnh tả châu Phi. Trong khi đó, chỉ khoảng 3 tuần (từ giữa tháng 7) trở lại đây số lợn mắc bệnh tả châu Phi bị tiêu hủy lên đến 120.000 con.
Từ thống kê trên cho thấy hiện nay dịch tả lợn châu Phi đang lây lan với tốc độ rất nhanh và khó kiểm soát.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai, khó khăn chính trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn là nhiều trang trại, hộ chăn nuôi còn lơ là việc áp dụng biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại.
Hiện tổng đàn lợn của Đồng Nai có khoảng 2,1 triệu con; trong đó, quy mô chăn nuôi theo hộ gia đình nhỏ lẻ chiếm khoảng 25%. Chính những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là nơi khó kiểm soát mầm bệnh tích tụ tại các hệ thống xử lý chất thải, ao nuôi cá, vì nguồn chất thải không được xử lý đúng quy trình, trong khi đang vào mùa mưa, nguồn nước dễ phát tán, khiến dịch bệnh có nguy cơ lan rộng./.
Tác giả: Sỹ Tuyên
Nguồn tin: TTXVN